Lê Quang Liêm nhỉnh hơn Fabiano Caruana ở những thế cờ đòi hỏi linh tính, khi chỉ có vài giây suy nghĩ tại giải cờ chớp Banter Series.
Điểm đặc biệt của Banter Series là các kỳ thủ vừa thi đấu, vừa bình luận trực tuyến. Người xem có thể hiểu được kỳ thủ nghĩ gì ở từng thế cờ, sau mỗi nước đi. Tất nhiên, các kỳ thủ không nghe hay nhìn thấy nhau. Nhờ đó, khán giả thấy được Quang Liêm lẫn Caruana nghĩ gì ở trận tứ kết sáng 26/9, với phần thắng bất ngờ thuộc về kỳ thủ số một Việt Nam
“Tôi đang tính đi 29.Rd7, hậu đen chạy ra c8”, Caruana nói, rồi dừng vài giây suy nghĩ. “Làm thế nào để thắng bây giờ? Hay là tôi đi 29.Rxe6, tốt đen ăn xe e6, thì mã trắng bắt tốt e6. Sau đó đen đi hậu b8, tôi sẽ bắt lại xe đen ở d4. Đen không có phương án chiếu hết. Quyết định thế đi”.
Cùng lúc, Quang Liêm nói: “Caruana có thể dùng xe bắt tốt e6, tôi dùng tốt bắt lại xe, mã trắng sẽ bắt tốt e6. Sau đó, tôi dùng xe bắt mã h4. Nếu hậu trắng bắt xe, tôi có thể chạy hậu đen đi b8 hay đâu đó cũng được. Thế cờ không quá tệ với tôi. Anh ấy sẽ phải tìm ra phương án bù đắp cho đòn thí quân. Lúc này tôi không nhìn ra phương án đó cho Trắng. Nhưng dù sao thế cờ này cũng có nhiều mưu mẹo”.
Sau đó, cả hai bắt đầu loạt đổi quân liên tục.
“Thôi chết, tôi không nhìn ra nước Rxh4”, Caruana nói.
Cùng lúc, Quang Liêm nói: “Hậu trắng bắt xe h4, tôi sẽ đi hậu lên b6. Nếu hậu trắng ra g4, thì tôi đi hậu xuống b1 chiếu, rồi lên e4 chiếu tiếp và đổi hậu”.
Lúc này Caruana mới nói: “Chờ chút, tôi vẫn còn nước hậu g4. Nhưng không được, hậu đen sẽ chiếu ở b1, rồi e4. Không còn cơ hội rồi”.
Trực giác là mấu chốt trong cờ chớp. Cựu Vua cờ Viswanathan Anand từng nói với Chessgames năm 2007: “Trực giác là nước cờ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí chúng tôi trước từng thế cờ”.
Trực giác tốt giúp các kỳ thủ phát hiện ra nước đi tốt nhất, để tính toán biến thể tiếp theo. So với cờ tiêu chuẩn, thời gian lâu hơn, yếu tố này quan trọng hơn nhiều trong cờ chớp. Bởi các kỳ thủ sẽ bớt được thời gian tính các trường hợp cho nước cờ không phải tối ưu. Chênh lệch về trực giác của Quang Liêm và Caruana thể hiện trong ván đấu trên.
Trước nước cờ thứ 29, nước cờ đầu tiên Caruana nghĩ đến là 29.Rd7. Anh mất khoảng 20 giây để tính các biến thể từ nước cờ này, nhưng không hiệu quả. Sau đó, anh mới tính tới nước 29.Rxe6. Thực tế, nước Rd7 không giúp Trắng thắng, nhưng cũng không thua. Còn nước Rxe6 khiến Caruana thất bại vì anh tính sót nước 30…Rxh4, dù dành thêm khoảng 15 giây nữa cho phương án 29.Rxe6.
Việc tính sót nước cũng xuất phát từ trực giác không được đánh giá cao của Caruana. Anh không nhìn ra ngay nước thí xe này của Quang Liêm, mà chỉ nghĩ Đen sẽ đi 30…Qb8.
Với Quang Liêm, trực giác hỗ trợ anh tính toán chính xác các khả năng của thế cờ này. Kỳ thủ số một Việt Nam từng nói với Hunonchess năm 2017 rằng: “Tôi thường áp dụng trực giác và sự hiểu biết thế cờ để phân tích các khả năng. Tôi luôn đặt bản thân vào cả tình thế của đối thủ, để tìm ra chiến lược tốt nhất cho cả hai bên”.
Quang Liêm làm đúng như vậy, khi nghĩ rằng Caruana sẽ đi 29.Rxe6. Anh nhìn ra ngay nước trung gian 30…Rxh4, và đây là nước cờ tốt nhất cho Đen. Kỳ thủ người TP HCM cũng nhìn ra nước 32…Qb1 trước Caruana.
Caruana là kỳ thủ số hai thế giới, với Elo cờ tiêu chuẩn 2.835, chỉ sau Vua cờ Magnus Carlsen (2.863). Anh cũng là á quân thế giới, khi thua Carlsen trong trận tranh ngôi gần nhất năm 2018. Caruana chơi tốt hơn Carlsen trong 12 ván cờ tiêu chuẩn, nhưng không tìm ra được những nước cờ quyết định dẫn tới chiến thắng. Hai kỳ thủ hòa cả 12 ván, khiến trận đấu phải phân định ở loạt tie-break cờ nhanh. Ở đó, Carlsen toàn thắng ba ván và bảo vệ ngôi Vua cờ.
Hikaru Nakamura – kỳ thủ số một cờ chớp thế giới với Elo 2.900 – từng nói với Chess.com năm 2018: “Caruana không có trực giác bẩm sinh. Cậu ta không quá giỏi ở cờ nhanh và cờ chớp”.
Nakamura có lý, bởi xét về Elo cờ chớp, Caruana (2.711) chỉ đứng thứ 35. Trước khi gặp Quang Liêm ở Banter Series, tỷ số đối đầu cờ nhanh chớp của Caruana cũng thấp hơn. Dù sao, Quang Liêm cũng từng vô địch cờ chớp thế giới năm 2013.